Hậu quả Khởi_nghĩa_Khăn_Vàng

Tuy khởi nghĩa Khăn Vàng thất bại trong việc lật đổ nhà Hán, nhưng đã phát động cuộc chiến tranh với quy mô khá rộng trên lãnh thổ Trung Quốc đương thời, khiến nhà Hán ngày càng suy sụp. Các tướng lĩnh quân phiệt nhân cơ hội suy vi của nhà Hán bắt đầu ly khai và xây dựng lực lượng riêng vì mục đích cá nhân, gây thành cuộc chiến quân phiệt kéo dài cho tới khi nhà Hán sụp đổ hơn 30 năm sau (220).

Trên toàn bộ chiến trường dẹp Khăn Vàng trong năm 184, Hoàng Phủ Tung đóng vai trò lớn nhất, trên cả mặt trận phía bắc và phía nam. Trong khi các tướng Lư Thực không thắng trận, Đổng Trác bại trận thì những thắng lợi quyết định của quân Hán đều gắn với tên tuổi Hoàng Phủ Tung.

Tuy nhiên, Hán Linh Đế chỉ tin yêu các hoạn quan, không coi Hoàng Phủ Tung là có công đầu trong việc dẹp Khăn Vàng, mà lại ghi công đầu cho Trương Nhượng, người không có công ngoài mặt trận.[3]

Hoàng Phủ Tung được thăng làm Tả quân Kỵ tướng quân, Châu mục Ký châu, tước Hòe Lý hầu, thực ấp 8000 hộ. Chu Tuấn được phong làm Trấn tặc trung lang tướng; sau khi dẹp được tàn dư Khăn Vàng được thăng làm Hữu xa kỵ tướng quân, tăng ấp lên 5000 hộ, cải phong làm Tiền Đường hầu.

Ngoài các tướng kỳ cựu của triều đình, trong việc đánh dẹp anh em Trương Giác có sự tham gia của những tướng lĩnh trẻ tuổi mới xuất hiện. Tuy họ chưa đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến này nhưng bắt đầu bước vào chính trường và về sau trở thành những người có vai trò quan trọng trên chính trường cuối Đông Hán đầu Tam Quốc như Tào Tháo, Lưu BịTôn Kiên. Những năm sau, các thế lực quân phiệt ngoài Tào Tháo còn có Viên Thiệu, Công Tôn Toản phải đối phó vất vả nhiều năm với tàn dư Khăn Vàng.